Lam chiều Long Sơn Tự

Đã bao chuyến đi và về như con thoi nhưng hắn lười, không đặt chân thăm lại ngôi chùa cũ. Hồi còn làm hướng dẫn tuyến điểm ở phố biển, hắn ghé chùa ngày một, thuộc lòng từng người hành khất ngồi lê lết hai bên lối đi của 152 bậc tam cấp dẫn lên Kim Thân Phật Tổ.
Một người bạn nghiêm nghị nhắc hắn "hôm nay là cơ hội cuối để anh thực hiện lời hứa”. Hắn giật mình nhớ ra, đời hắn hứa thật nhiều mà thất hứa cũng thật nhiều. Làm họ Hứa cũng chẳng vui vẻ gì, mỗi lần thất hứa người ta phải trát lên khuôn mặt một lớp, lâu ngày dày lên, thế mới có câu tục ngữ: "mặt dày, mày dạn”
Hắn thích chữ “lam” trong từ “Già-lam”. Già-lam, nói cho đủ là Tăng-già-lam-ma, được phiên âm từ tiếng Phạn là Sangharama, nghĩa là nơi cư trú của tăng chúng, dịch là tu viện, chùa chiền … đều được. Theo thời gian biến hóa của ngôn ngữ, nó còn được viết tắt chỉ một chữ “lam”. Tiếng Việt mình có thuật ngữ “Danh lam thắng cảnh”, nhưng ít ai hiểu nguồn gốc của chữ “lam”, nghĩa là “chùa” này.
Ngoài ra, “lam” còn là tính từ chỉ màu sắc. Cái màu thanh tịnh thường thấy ở chùa hòa lẫn cái màu chiều bảng lãng khi nắng vừa tắt bên kia trời tạo ra một không gian thoáng đãng, vô thường. Lời hứa của hắn nằm ngay dưới chân Kim Thân Phật Tổ, nơi có bức tượng nhỏ của hòa thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức, người đã đi từ chùa Từ Đàm Huế vào Sài gòn, rồi tự nhúng mình vào biển lửa năm 1963, ngày 11 tháng 6. Hắn nhớ rõ bức ảnh chụp ông tự thiêu treo trên chiếc xe Austin tại chùa Thiên Mụ Huế, sắc mặt ông hoàn toàn điềm nhiên dù thân xác cháy rụi. Từ bức ảnh được đăng trên trang nhất các báo lớn, nó đã tạo ra làn sóng phản đối chế độ Ngô Đình Diệm và cuộc chiến phi lí diễn ra ở Miền Nam Việt Nam. Toàn văn tâm nguyện cuối cùng của vị hòa thượng nồi tiếng này như sau:
Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận (GiaĐịnh).
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:
1.      Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
2.      Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.
3.      Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.
4.      Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.
Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.
Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật
Làm tại chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão
Tỳ kheo Thích Quảng Đức
Kính bạch
Sự kính cẩn thật lâu trước nén nhang làm một người khách nước ngoài ngạc nhiên. Ông ta phân vân rồi bước đến hỏi hắn: "Vị mà mày đang cầu khấn là ai thế?”. Hắn lảng tránh câu hỏi, chỉ lên bức tượng Kim Thân Phật Tổ hỏi ngược lại: "Mày biết làm thế nào người ta đặt được phần đầu bức tượng nặng hàng tấn lên trên thân không?” .Vi khách suy nghĩ một lát rồi nói: "Chắc bằng trực thăng vận tải”. Hắn cười phá lên: "Đúng, bằng một chiếc trực thăng của quân đội Mỹ” và kể cho ông ta nghe vì sao hắn tới đây. Đến đoạn về hòa thượng Thích Quảng Đức, vị khách reo lên lịa lịa: "Đúng, đúng tao có thấy bức ảnh trên báo hồi tao còn nhỏ” làm gã hướng dẫn đi theo vị khách trố mắt ra chẳng hiểu ất giáp gì. Hắn bảo với vị khách: "Ông ấy đấy". Cả hai đứng trầm ngâm nhìn bức tượng, cuối cùng vị khách thốt lên: “Chẳng ai được gì sau cuộc chiến đó”. Hắn gật đầu đồng ý: “Ngoại trừ sự mất mát quá lớn”.
Chia tay vị khách, hắn lững thững xuống núi. Vẫn là phố biển xưa trong tầm mắt vậy mà giờ đây sao xa lạ quá chừng. Vẫn là vùng đất “tứ thủy triều quy, tứ thú tựu”, dưới chân hắn chính là hòn Trại Thủy, hình con dơi trong tứ linh mà nghe lòng mình thở dài về một tình yêu vừa hiện hữu. Hắn móc điện thoại gọi cho người bạn cũ: "Mày đến quán Ớt Xanh, 9 giờ tao phải lên xe”
Hôm đó ngày gì hắn chẳng nhớ, Phật tử tập trung dưới chùa vui chơi sinh hoạt. Hắn bàng hoàng nhận ra một chiếc áo lam, ai như dáng quen trong giấc chiêm bao để buổi chiều rơi nhanh xuống.
Phố lên đèn rồi.
  
                                                         Nguyễn Quang Lộc ( Ninh Hòa)



Tags: , , ,
Qúy đọc giả thân mến! Tuệ Uyển An lạc hạnh’s Blogger là nơi chia sẻ tình Yêu thương và sự Hiểu biết. Vì vậy, khi đọc bài xong, quý vị vui lòng gởi lời nhận xét, đóng góp ý kiến để chúng tôi cũng như tác giả lấy đó làm kinh nghiệm giúp Tuệ Uyển An lạc hạnh ngày càng kiện toàn hơn. Tất cả những bài viết trong Blog, chúng tôi không giữ bản quyền tuy nhiên khi quý đọc giả cảm thấy thích đăng lại, xin vui lòng dẫn link nguồn và đầy đủ tên tác giả,kính mong quý đọc giả lưu tâm.


Nếu đã vui lòng viếng thăm
Thì xin hiến tặng hạt mầm yêu thương
Mong cho mọi sự cát tường
Hiểu biết trổi dậy, khỏi đường lầm mê.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

1 nhận xét

  1. BBT Tuệ Uyển cảm ơn anh Quang Lộc với bài viết này! Hi vọng sẽ nhận được nhân những cảm tác mới từ anh!

:)) w-) :-j :D ;) :p :_( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-)

Đăng một nhận xét