NGÔI NHÀ TRÊN ĐỈNH DỐC


             Ngày con về… Xe dừng lại dưới chân dốc.
            Nhà trên đỉnh dốc, nhưng thỉnh thoảng để xe xuống hết con dốc con mới nói xe dừng lại. Dưới chân dốc có ngôi chợ ngày xưa của Mẹ; có hồ sen thật to toàn sen trắng tinh khôi đưa mùi hương thanh thoát nhè nhẹ đi khắp làng, và có ngôi trường cấp một ngày xưa của con. Vào giờ đó, ngôi chợ bắt đầu vắng. Người ta đã làm ngôi chợ thật to ngoài kia, gần cầu Sông Phan, ngôi chợ ngày xưa chỉ còn đông vào buổi sáng, chợ chỉ còn bán tí gì đấy vừa đủ cho một bữa cơm trưa đơn giản. Ngôi trường cấp một đến giờ tan học buổi sáng, tụi nhóc kéo nhau về, những tiếng cười nói trong veo.
            Con xuống xe dưới chân dốc…
            Để được leo ngược con dốc, để biết rằng ngày ngày vẫn có người bền bỉ leo dốc với con. Bao năm rồi vẫn vậy… Đúng không? Bao năm rồi vẫn vậy… Vẫn bền bỉ và chưa một lần than mỏi.
            Để được nghe tiếng của những người gốc đảo Phú Quý, thứ giọng nói nằng nặng và nhanh như súng bắn liên thanh. “Mới vè (về) hử?”, “vè (về) bao lâu?”, “chợt (chết), sao lại vè (về) ít dữ, lâu lâu mới vè (về) sao không ở lại chơi lâu lâu hử”.
            Thương lắm….  

            Ngày xưa… thỉnh thoảng lại có người cha dừng xe trước cổng trường để đón con tan học. Nhà gần trường, nên đứa con tự đi rồi tự về, chỉ khi nào người cha có chuyện về ngang, đúng lúc tan trường, mới dừng lại, chờ con. Người cha sẽ mang luôn chiếc cặp của con, con ngồi sau, cầm chiếc chong chóng, chiếc chong chóng quay tít mù…
hai cha con leo lên con dốc, ngôi nhà nằm trên đỉnh dốc.
            Leo hết con dốc này là tới nhà. Ngôi nhà của con, có Ba, có Mẹ, có anh, có chị và có tiếng cười của những đứa cháu. Trưa, bụng đói, mệt, con dốc trước mắt trở nên dài và cao hơn bình thường. Bất giác thấy thương ngày xưa, những ngày Ba Mẹ về ngược gió. Liêu xiêu.
            Ba đưa gia đình về nơi này sống, vì gần chợ và gần trường học. Chợ cho Mẹ, còn ngôi trường là cho anh em con. Ba đưa gia đình về đây, để bắt đầu cho một ước mơ thật dài, ước mơ còn dang dở…
            Con còn nhớ ngày khai giảng năm học đó, lần đầu tiên con đi học. Ba đưa con đến trường. Một ngày quan trọng với Ba Mẹ nhưng rất khủng khiếp với con. Con sợ đi học, con sợ mọi người ở đây, sợ ánh mắt mỉa mai của chúng bạn khi nghe giọng nói của mình. Giọng nói của người đảo Phú Quý. Con không biết tại sao có những người ở đây lại không có thiện cảm lắm với người Đảo Phú Quý. “Cố lên con, cố học cho thật giỏi để không ai dám xem thường mình”. Con nhớ mãi câu nói này của ba. “Cố học cho thật giỏi để không ai xem thường mình”. 

            Ba Mẹ đã chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi học của con từ rất lâu. Mẹ đi chợ, mang về mấy bộ quần áo mới, rồi giày dép và chiếc cặp có in hình bốn thầy trò Đường Tăng. “Đẹp nhất ngoài chợ đấy, bảo đảm không có bạn nào có chiếc cặp đẹp như thế này đâu, ngăn này để sách, ngăn này để tập, chỗ này để chiếc bút chì…” Ba cẩn thận bao bìa gọn gàng từng quyển sách quyển tập, rồi lại cẩn thận viết tên con lên từng chiếc nhãn. Cẩn thận như người dân ở đây cẩn thận chọn lựa hạt giống cho vụ mùa mới.
            Ngày khai giảng, Ba đưa con đến trường, đợi con vào lớp, ngồi vào bàn, Ba mới trở về. Tan học, ra khỏi cổng, con đã thấy Ba đến đón, dáng người cao to, nghiêng nghiêng. Ba có quà cho người “chiến sĩ nhí” ngày đầu tiên ra trận: một chiếc chong chóng. Con rất thích chong chóng. Ba mang giúp chiếc cặp của con, ba đạp xe lên dốc, con ngồi phía sau, chiếc chong chóng xoay tít mù.
            Ngày con lớn…. Mẹ chuẩn bị hành lý để Ba đưa con đi, đến một nơi có những dở dang của Ba. Con sẽ làm tiếp công việc Ba làm chưa xong. Đi tiếp con đường Ba còn bỏ dở.

            Sài Gòn ngày nhiều gió, những chiếc lá xao xác bay.
            Đường Sài Gòn bằng phẳng, nhưng có ngày trước mắt con lại dựng lên con dốc cao thật dài. Ở Sài Gòn, con  cũng có những ngày về ngược gió. Có những ngày lòng thật nặng, đôi chân thật mỏi. Nhưng chưa bao giờ cho phép mình bỏ cuộc, chỉ dừng lại ngồi nghỉ một tí, rồi đứng dậy đi tiếp. Vì con biết có người ngày ngày cũng đang leo dốc với con.
            Lẽ nào chắp cả cuộc đời của Ba và con lại, nối cả ước mơ của Ba và con lại, lại không dài bằng một con đường.
            Chẳng có con đường nào dài bằng ước mơ.
            Ngày đầu tiên đi học, ngày bắt đầu cho ước mơ xa, bước đầu tiên cho cuộc hành trình dài thật dài, cho hoài bão còn dở dang. Vẫn ngôi trường ấy, vẫn con đường ấy, vẫn con dốc ấy. Nhưng con lại muốn thay Ba Mẹ, cẩn thận viết tên từng đứa cháu của Ba Mẹ lên những chiếc nhãn, rồi đưa chúng đến trường và đến đón về, nhất định cũng sẽ có chiếc chong chóng xoay tít mù. Con muốn nói với chúng một điều: chiếc chong chóng chỉ xoay được trong những ngày ngược gió.
           
            Cuộc sống lại không thiếu những ngày ngược gió.
                                                                
                                                                           Vô Thường
                                                               Mùa Vu lan 2011 - 2555



Tags: , , ,
Qúy đọc giả thân mến! Tuệ Uyển An lạc hạnh’s Blogger là nơi chia sẻ tình Yêu thương và sự Hiểu biết. Vì vậy, khi đọc bài xong, quý vị vui lòng gởi lời nhận xét, đóng góp ý kiến để chúng tôi cũng như tác giả lấy đó làm kinh nghiệm giúp Tuệ Uyển An lạc hạnh ngày càng kiện toàn hơn. Tất cả những bài viết trong Blog, chúng tôi không giữ bản quyền tuy nhiên khi quý đọc giả cảm thấy thích đăng lại, xin vui lòng dẫn link nguồn và đầy đủ tên tác giả,kính mong quý đọc giả lưu tâm.


Nếu đã vui lòng viếng thăm
Thì xin hiến tặng hạt mầm yêu thương
Mong cho mọi sự cát tường
Hiểu biết trổi dậy, khỏi đường lầm mê.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

0 nhận xét

:)) w-) :-j :D ;) :p :_( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-)

Đăng một nhận xét