Ni sư Trí Hải - Cây bút tài hoa

Ninh Giang Thu Cúc

Ni sư Thích nữ Trí Hải Pháp danh: Tâm Hỷ (1938-2003) Thế danh: Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh Năm sinh: 1938 Nguyên quán: Vĩ Dạ - Huế Thị tịch: 7.12.2003

TIỂU SỬ VÀ HÀNH TRẠNG

Trước khi trở thành Thích tử thiền môn – người con Phật này có thế danh là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, chào đời tại làng Vĩ Dạ vào ngày 9.3.1938 âm lịch là năm Mậu Dần, trong một gia đình hoàng phái, thuộc phủ phòng Tuy Lý Vương – là ái nữ của cụ ông Ưng Thiều tự là Mân Hương, pháp danh Như Chánh và cụ bà phu nhân Đặng Thị Quế, pháp danh Trường Xuân, duyên lành về con đường tu học đã được ươm mầm trong chủng tử thai nhi bởi hai đấng sinh thành đều là Phật tử tại gia cư sĩ. Vì thế cô tiểu thư trâm anh vọng tộc này đã được thọ tam quy ngũ giới và thính pháp văn kinh khi còn trong bụng mẹ, mà bổn sư thế độ là ngài tọa chủ chùa Tường Vân. Sau này là bậc cao tăng thạc đức nắm giữ mạng mạch Phật giáo miền Nam Việt Nam trên cương vị Đệ nhất Tăng Thống pháp hiệu Thích Tịnh Khiết.
Sau khi hoàn thành chương trình trung học đệ nhị cấp, tiểu thư Phùng Khánh theo học ngành sư phạm ở bậc đại học, tốt nghiệp cô được bổ sung vào dạy môn sinh ngữ (Anh văn) tại trường trung học Phan Châu Trinh – Đà Nẵng.
Năm 1960 cô giáo Phùng Khánh được đi du học ở Mỹ, đến năm 1963 cô về nước với bằng cấp cao học ngành thư viện, thời gian này Viện cao đẳng Phật học Việt Nam được thành lập, hòa thượng Thích Trí Thủ mời cô và cô Phùng Thăng cùng đến phụ tá cho Ni trưởng chùa Phước Hải cùng chăm lo cho đời sống của ni sinh, cũng như làm một số phật sự tại chùa Pháp Hội. Phùng Thăng là em út của tiểu thư thạc sĩ Phùng Khánh.
Cơ duyên tận hiến hoàn toàn cuộc đời cho Phật pháp đã đến. Năm 1964 người con gái Huế yêu kiều, cô tiểu thư cành vàng lá ngọc Phùng Khánh thí phát xuất gia tại chùa Hồng Ân, mà bổn sư thọ ký là ni trưởng trụ trì Thích nữ Diệu Không, từ đây cái tên Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh đã xếp vào hồ sơ lưu trữ, mọi người chỉ gọi vị sa di ni này bằng pháp hiệu Trí Hải, Thích nữ Trí Hải.
Vâng, Trí Hải – biển trí tuệ, vị nữ tu có pháp danh Tâm Hỷ và pháp hiệu Trí Hải này đã phụng sự đạo pháp bằng tất cả khả năng và sự thông tuệ ưu việt cũng như phụng hiến đồng đạo, đồng bào, chúng sanh bằng trái tim hạnh lạc an vui, đúng như pháp danh mà cô thọ nhận: Tâm Hỷ.
Đường tu học của cô cư thế đi lên từng bước. Năm 1968 cô được thọ giới Thức xoa ma na tại giới đàn Nha Trang. Cùng lúc Viện đại học Vạn Hạnh được thành lập, cô được bổ nhiệm làm thư viện trưởng và giám đốc trung tâm An Sinh xã hội của Viện; đồng thời là giảng sư dạy các môn nội điển tại trường. Giai đoạn này các trường cao cấp Phật học và các học viện Phật học Việt Nam đều mời cô phụ trách giảng dạy các môn nội điển bằng Anh văn cho các tăng ni sinh.
Năm 1970, cô thọ đại giới Tỳ Kheo ni và Bồ Tát giới tại giới đàn Vinh Gia Đà Nẵng. Từ đây, trách nhiệm về hoạt động Phật sự lan tỏa khắp các miền, song song với hoạt động từ thiện xã hội, trùng tu các ngôi nhà làm xuống cấp, bảo trợ các cô nhi viện, các gia đình cô quả ở vùng sâu vùng xa.
Về sự nghiệp văn học – cây bút tài hoa của người nữ tu này quá uyên thâm vi diệu, quá uyên bác hàn lâm. Người có gần một trăm đầu sách các thể loại từ sáng tác đến dịch thuật biên soạn, phóng tác và hàng loạt bài viết ngắn, cùng nhiều bài thơ ý tình thắm đượm mùi pháp lạc đạo vị.Chúng ta thử đi vào mảng thơ của Ni sư để chiêm nghiệm một hồn thơ đầy lạc quan thanh thản trong nếp thanh lương đạo pháp, trong tinh thần triết học và thiền định qua bài “Triêu Dương Ca”:

TRIÊU DƯƠNG CA

Trời cao trong và xanh
Gió ban mai tốt lành
Vũ trụ như chìm đắm
Trong thiền định vô sanh
Chim chóc đang ca múa
Mừng lễ hội bình minh
Sau lùm tre thưa thớt
Vừng dương vừa ló lên
Thiên nhiên như vũ điệu
Như bài ca vô thanh
Tâm hòa cùng vũ trụ
An trú trong bất sanh

(TDC- TNTH)
Là một Thích tử thiền môn, những điều cơ bản về quy trình sinh, lão , bệnh Ni sư đã tỏ tường từng chân tơ kẽ tóc, vì vậy sự đau ốm đối với Ni sư chỉ là một cơ hội để quản niệm những ân nghĩa cao dày của mười phương chư Phật, chư tổ của vũ trụ càn khôn, của pháp lữ huynh đệ, của pháp quyến môn đồ với tấm lòng thanh tịnh, với niềm tri ân sâu sắc, với ước vọng chân thành được giải bày bằng ngôn ngữ thi ca qua bài thơ ngũ ngôn có tên gọi “Thêm một ngày”:

THÊM MỘT NGÀY

Thêm một ngày nằm bệnh
Thêm một ngày tu tâm
Niệm ơn sâu Tam bảo
Tấm lòng bao người thân
Thêm một này đoàn tụ
Cùng pháp tử mến thương
Sẻ san chân diệu pháp
Vị ngọt thấm can trường
Thêm một ngày quán niệm
Chốn sinh tử hiểm nguy
Cõi niết bàn an lạc
Cũng trong một tâm này
Thêm một ngày chánh niệm
An trú trong bất sinh
Cẩn thận từng cảm xúc
Từng móng ý khởi tâm
Thêm một ngày cảm niệm
Ơn bạn lữ mười phương
Hỏi thăm và san sẻ
Ấm lòng khách tha phương
Thêm một ngày sám hối
Lạy mười phương Như Lai
Cho con sạch tội lỗi
Từ xưa cho đến nay
Thêm một ngày phát nguyện
Nguyện cùng tận vị lai
Luôn theo chân Phật tổ
Lợi ích cho muôn loài.

(TMN – TNTH)
Cây có cội, nước có nguồn – nguồn pháp nhủ đầu đời mà Ni sư thọ nhận là ở ngôi tổ đình trang nghiêm tịnh lạc Tường Vân mà bổn sư trao truyền tam quy ngũ giới là hòa thượng Thích Tịnh Khiết, vị cao tăng đạo hạnh, vị giáo phẩm Bi –Trí – Dũng vẹn toàn, đã cho Ni sư niềm hạnh phúc khi nhớ lại bao kỷ niệm một thời để cấu tứ thành bài thơ theo thể tứ tuyệt với hai mươi câu chia làm năm khổ bằng một tựa đề rất gần gũi thân thương: “Chùa Tường Vân”

CHÙA TƯỜNG VÂN

Chốn tổ Tường Vân bao kỷ niệm
Những ngày theo mẹ học ôn thi
Sớm khuya kinh kệ nương theo chúng
Bát nhã thuộc làu trước đại bi
Đi dạo vườn chùa mô đất cao
Bốn mùa cây trái tốt xinh sao
Bồ quân khế ngọt cùng cam quýt
Tha hồ vơ vét đựng đầy bao
Xuống đến chỗ ngồii dưới bóng cây
Thầy còn cho bánh quả đơm đầy
Mâm bổng dâng cúng nơi bàn Phật
“Con hãy nhận quà của Phật đây”
Thầy lại trao cho Kinh Pháp hoa
Bản kinh Việt dịch mới in ra
“Chứng minh Hòa thượng” câu để tặng
Thầy dạy con về ráng đọc qua
Thầy bố thí quà ăn học thi
“Cái chi ta cũng dành cho mi
Mà mi không chịu tu, mi chết”
Nhớ mãi lời thầy dạy những khi

(2.7.2003)
Nếu trao truyền tam quy ngũ giới cho Ni sư là vị Đệ nhất Tăng Thống của Phật giáo Việt Nam vào giai đoạn giữa thế kỷ XX thì vị thầy khả kính đã thọ ký cho tiểu thư Phùng Khánh thành Sa di ni Trí Hải, ân phước thay lại là bậc nữ tu đức hạnh, đạo hạnh Thích nữ Diệu Không, Ni sư Trí Hải với pháp danh Tâm Hỷ đã viết về vị sư phụ thứ hai này với tất cả lòng ngưỡng mộ:

KÍNH DÂNG SƯ BÀ DIỆU KHÔNG

Mai đây cuộc thế vô thường
Thầy là sao sáng soi đường con đi
Huyễn thân mộng trạch sá gì
Bước chân đổng tử hẹn kỳ tái lai.

(1984)
Hoa từ bi nở rộ
Cho ta bà ngát hương
Thầy đâu con theo đó
Mang vui nẻo đoạn trường

(2003)
Và như có sự dự cảm, sự trực ngộ cho một cõi đi về mà trong một bức thư gửi cho một người bạn vào năm 2001 Ni sư đã viết:
…”Trí Hải cũng đã 64 tuổi, dòng sông này cũng đã gần ra đến biển, nó đang reo vui trong điệu nhạc vô thanh khi gần tới đỉnh. Sống như du lịch chết như về lại nhà. Kinh Pháp Cú có câu:
“Khách lâu ngày ly hương
Cuối cùng về đến nhà
Được người thân chào đón
Thật vui vẻ làm sao!
Cũng thế những việc lành
Chào mừng như thân hữu
Khi giã biệt đời này
Để đi qua đời khác”
Ni sư là một nhà văn, một nhà thơ, nhà triết học, nhà sư phạm với một trái tim rộng mở dâng hiến cho Đạo và Đời.
Nhưng trái tim nhân ái ấy đã ngừng đập cùng hai thị giả trên bước đường du hóa vào một chiều mùa đông năm 2003 do một tai nạn giao thông trên lộ trình Phan Thiết – Sài Gòn.
Ni sư viên tịch vào tuổi 66 là một mất mát lớn cho Phật giáo Việt Nam, cho nền văn học và giáo dục Phật giáo nói riêng, và cho nền văn học Việt Nam nói chung, nhưng biết làm sao chống lại được sự chi phối của luật vô thường?!
Nếu sống là thể phách, khi thể phách đã tan rã theo đất nước gió lửa thì cái còn để lại cho đời là phần tinh anh – mà tinh anh, trí tuệ, văn nghiệp, đạo nghiệp của Ni sư là một tài sản vô giá, một biển trí tuệ mênh mông mãi mãi trường tồn cùng tuế nguyệt. Vậy là Ni sư vẫn còn mãi mãi bên chúng ta, sự ra đi ấy, sự viên tịch ấy chỉ là sự quay về tròn đầy không vơi cạn.
Soạn giả chỉ là một nữ phàm phu đầy hệ lụy, một tín nữ sơ cơ, sự am hiểu về đạo pháp quá nghèo nàn, nhưng với tất cả lòng kính ngưỡng xin vô cùng tán thán công nghiệp, tài năng mà Ni sư đã đóng góp cho ngôi nhà Như Lai và cho cuộc đời này, cho đất nước Việt Nam, và cho quê hương Thừa Thiên Huế của chúng ta.
(RÚT TỪ “NỮ LƯU MIỀN HƯƠNG NGỰ” ĐỂ TƯỞNG NIỆM 9 NĂM NGÀY MẤT CỦA NI SƯ TRÍ HẢI)
                                                                 (theo chuabuuminh.vn)
                                                                                                                                                                    


Tags: , ,
Qúy đọc giả thân mến! Tuệ Uyển An lạc hạnh’s Blogger là nơi chia sẻ tình Yêu thương và sự Hiểu biết. Vì vậy, khi đọc bài xong, quý vị vui lòng gởi lời nhận xét, đóng góp ý kiến để chúng tôi cũng như tác giả lấy đó làm kinh nghiệm giúp Tuệ Uyển An lạc hạnh ngày càng kiện toàn hơn. Tất cả những bài viết trong Blog, chúng tôi không giữ bản quyền tuy nhiên khi quý đọc giả cảm thấy thích đăng lại, xin vui lòng dẫn link nguồn và đầy đủ tên tác giả,kính mong quý đọc giả lưu tâm.


Nếu đã vui lòng viếng thăm
Thì xin hiến tặng hạt mầm yêu thương
Mong cho mọi sự cát tường
Hiểu biết trổi dậy, khỏi đường lầm mê.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

0 nhận xét

:)) w-) :-j :D ;) :p :_( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-)

Đăng một nhận xét