TẾT TÂY NGHĨ VỀ TẾT TA

Người Viễn Xứ
Việt Báo (Theo_VietNamNet)

Em thân mến,

Sau lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch của người Tây phương, người Việt Nam xa xứ nghĩ ngay đến Tết ta. Nhớ thuở còn thơ ở bên nhà, trẻ con chúng tôi có biết gì hơn khi Tết đến, ngoài việc được mặc quần áo mới và được tiền lì xì trong các phong bì đỏ xinh xinh. Việc lễ nghi, cúng bái nọ kia cũng như việc sắm sửa cành mai, bánh mứt đều do cha mẹ lo, tôi nào có phải bận tâm đến điều gì. Được cha mẹ dẫn đi chợ hoa đường Nguyễn Huệ thì cứ đi theo như đi dạo, nhìn thiên hạ mua hoa, ngắm tài tử giai nhân trong quần là áo lượt. Thế nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc làm sao trong mấy ngày Tết! Đó là những ngày vui sướng nhất trong năm của tuổi thơ. Ngày xưa đất nước còn trong chiến tranh, mọi sinh hoạt đều bị hạn chế, dân Sài Gòn cũng chưa đông đúc lắm nên Tết chắc chắn là không vui bằng bây giờ.

Đối với người mình, ngày Tết là một cái gì thiêng liêng, quan trọng. Còn đối với người Âu châu, nó chỉ là một bước rẽ sang năm mới, là một dịp để cho họ ăn uống, khiêu vũ, mở dạ hội liên hoan ở nhà hàng, hộp đêm... Đến lúc giao thừa thì dân chúng đua nhau đốt pháo hoa. Đây là những giờ phút vui thích nhất trong năm của trẻ em và thanh thiếu niên vì chúng được dịp đốt pháo, háo hức xem pháo của mình ra hoa có đẹp không, và cũng được dịp ngắm pháo hoa của thiên hạ. Sau khi đồng hồ gõ dứt 12 tiếng thì khắp bầu trời nước Đức đều rực rỡ muôn màu xanh đỏ, đủ mọi kiểu dáng bông hoa được tung lên trên nền trời cao đen thẫm. Trong giờ phút đó, mọi người chỉ biết vui theo tiếng pháo, ngắm muôn vàn vì "sao hoa" khoe sắc thắm trong tiết trời mùa đông băng giá. Sáng hôm sau thì Sở Công lộ thành phố lại có được một công tác vĩ đại: quét dọn xác pháo!
Tết Ta ở Âu châu thường nhằm vào ngày thường nên người Việt Nam mình vẫn phải đi làm. Do đó, đối với một số người ở đây, Tết không còn nhiều ý nghĩa nữa. Có người thì chuyền tai nhau để biết xem mồng Một Tết là ngày nào. Cũng có những gia đình nấu mâm cơm đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng chạp. Ba mươi Tết cũng có người cúng rước Ông Bà. Cành mai hay cành đào thì không thể nào kiếm đâu ra được, vì ở Âu châu phải đến tháng 3 các loài hoa này mới bắt đầu nở. Có điều là hoa mai ở đây chỉ có bốn cánh, thon và dài, trông thua xa các loài mai bên mình. Đào cũng không đẹp lắm, chỉ có giống đào nhập của Nhật là cho thật nhiều hoa, mỗi hoa có nhiều lớp cánh dày, trông rất đẹp.

Tết Việt Nam nhằm vào ngày thường của Âu châu nên chợ không đóng cửa, các bà nội trợ Việt Nam không phải lo mua thức ăn dự trữ như bên mình ngày xưa. Cũng có những người vẫn giữ thói quen như bên nhà, đến ngày Tết vẫn nấu một nồi thịt kho tàu, nấu canh khổ qua nhồi thịt băm và làm thẩu dưa giá. Tôi thấy thói quen này cũng hay vì nó gợi lại những hình ảnh của quê hương. Tất cả các chợ Á châu ở đây đều có bán bánh chưng, bánh tét vào dịp Tết. Ai may mắn thì gặp được bánh làm khéo và ngon, còn xui thì gặp bánh nếp dày, nhân mỏng, nuốt khó vào, vì người làm tiết kiệm đậu xanh. Hai loại bánh này được bán rất chạy vì đa số người mình ai cũng thích ăn loại bánh này, chỉ được bán có một lần trong năm.

Ở nơi nào có đông người Việt Nam thì Hội Đoàn địa phương cũng tổ chức ăn Tết chung, tạo dịp gặp gỡ người đồng hương với nhau. Người ta thuê một gian phòng lớn hay một rạp hát để tổ chức vui Tết. Trên sân khấu cũng có bàn thờ Tổ Quốc, có lá Quốc kỳ hẳn hoi. Chương trình giải trí có cả múa lân và ca nhạc, do một vài ca sĩ "cây nhà lá vườn" phụ trách. Các bà nội trợ khéo léo làm vài món ăn "quốc hồn, quốc túy" mang đến bán, trước để mua vui, sau kiếm chút lời lì xì cho con cháu. Người ta cũng không quên mang theo vài đĩa nhạc mừng Xuân. Bản Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương thường được phát ra trong mỗi lần Tết, một bản nhạc mà hầu như người đứng tuổi nào cũng biết đến, dù không thuộc hết lời. Tôi nói "người đứng tuổi" vì thế hệ trẻ sau này, được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nào có màng gì đến âm nhạc quê hương.

Nơi nào có ít người Việt Nam thì khi Tết đến "mạnh ai nấy lo" vì đó là chuyện riêng. Mỗi gia đình ăn Tết theo ý thích riêng của mình. Mà có " ăn Tết" hay không cũng không ai biết... Nhớ ngày xưa, lúc tôi vừa sang Âu châu du học, lần đầu tiên tôi ăn Tết một mình nơi xứ người. Có người quen sang, mẹ gửi cho tôi một gói lạp xưởng. Đêm giao thừa tôi ngồi ăn cơm trắng (gạo Mỹ, hạt dài và bời rời) với lạp xưởng mà nghe lòng lâng lâng, buồn vui lẫn lộn. Tôi vui vì được nhìn thấy miếng lạp xưởng, một hình ảnh của quê hương, nhưng buồn vì nhớ nhà, ngày Tết cô đơn một mình, không có cha mẹ, anh em bên cạnh. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn những bông tuyết trắng lác đác rơi mà cứ ngỡ những cành mai vàng đang bay trong gió...

Dù cho ăn tết với Hội Đoàn hay ăn Tết riêng lẻ ở nhà, tôi thấy nó vẫn có một cái gì nhạt nhẽo, giả tạo, hời hợt, không thể nào giống được không khí Tết bên nhà. Tết về, không những người ta cần phải có những hình ảnh quen thuộc của quê hương, nhà nhà đều ăn Tết, người người đều vui Tết, mà còn cần phải được hít thở cái mùi vị của Tết: mùi thơm của hoa mai vàng rực rỡ, của thẩu dưa giá, thẩu củ kiệu, của miếng dưa hấu đỏ au, của thèo lèo cứt chuột...

Em thấy không, em và những người ở bên nhà may mắn biết bao khi được ăn Tết ở trên quê hương mình. Dù là người lớn hay trẻ con, mọi lứa tuổi đều có niềm vui riêng. Giàu hay nghèo, mạnh khỏe hay bệnh tật, an nhàn hay vất vả, đến ngày Tết, tất cả mọi người đều có chung một cảm nghĩ: vui Xuân. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, đó đây vang vang những lời chúc tụng đầy yêu thương. Đó là Tình Người mà nơi đất khách quê người những đứa con xa xứ như tôi không có được. Sống ở đây, người ta chỉ có được vật chất bên ngoài, tiện nghi trăm thứ nhưng về đời sống tinh thần thì là con số không. Bước ra khỏi căn nhà của mình là cả một thế giới khác biệt, không phải của mình, từ cành cây, ngọn cỏ đến giòng sông, con suối...
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một câu trong bản nhạc nào đó mà tôi đã quên mất tựa "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời. À ơi...".Phải, tôi chỉ yêu được cánh đồng lúa bao la, yêu ngọn rau đắng mộc mạc, yêu hàng dừa cao nghiêng bóng bên giòng Cửu Long luôn trĩu nặng phù sa, tưới lên đất lành nuôi người dân quê tôi. Dù quê tôi không được giàu sang như ở đây, nhưng tôi đã yêu nó từ khi mới ra đời...

Trước thềm Năm mới, Người Cô Lữ tôi xin thân ái gửi đến tất cả mọi người trong và ngoài nước lời chúc một NĂM MỚI AN KHANG, THỊNH VƯỢNG.

Năm nay Ngày Thế Tôn Thành Đạo (8.12 AL) cũng chính là First day of NewYear 2012. Một sự trùng hợp khá hi hữu !, Kính chúc CÁC SƯ THẦY THIỆN TRI THỨC SỨC KHOẺ, AN LẠC VÀ GIA ĐÌNH TUỆ UYỂN LUÔN TINH TẤN...




Tags: , , ,
Qúy đọc giả thân mến! Tuệ Uyển An lạc hạnh’s Blogger là nơi chia sẻ tình Yêu thương và sự Hiểu biết. Vì vậy, khi đọc bài xong, quý vị vui lòng gởi lời nhận xét, đóng góp ý kiến để chúng tôi cũng như tác giả lấy đó làm kinh nghiệm giúp Tuệ Uyển An lạc hạnh ngày càng kiện toàn hơn. Tất cả những bài viết trong Blog, chúng tôi không giữ bản quyền tuy nhiên khi quý đọc giả cảm thấy thích đăng lại, xin vui lòng dẫn link nguồn và đầy đủ tên tác giả,kính mong quý đọc giả lưu tâm.


Nếu đã vui lòng viếng thăm
Thì xin hiến tặng hạt mầm yêu thương
Mong cho mọi sự cát tường
Hiểu biết trổi dậy, khỏi đường lầm mê.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

0 nhận xét

:)) w-) :-j :D ;) :p :_( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-)

Đăng một nhận xét