Thư xuân Tuệ Uyển



Thư gởi về vườn Tuệ.

Trước hết, Đạo Quang con, từ phương xa xin hướng vọng về đảnh lễ Thầy chỉ đạo, kính khánh tuế Thầy được thêm một tuổi, tăng trưởng hạ lạp, phước tuệ trang nghiêm, khinh thân tráng kiện.

Kính bạch Thầy, như vậy năm nay là năm thứ tư con ở xa quê hương để hưởng không khí Xuân quê nhà. Bên này, anh em chúng con mấy người ở lại chung nhà, cũng trang trí bàn Phật, hoa đèn tươi mới. Tết xứ người chỉ có mình biết với nhau, giờ Giao thừa chúng con dâng nén trầm hương cúng dường Tam Bảo, sau đó cùng nhau chia sẻ những chiếc bánh mứt con con của các Phật tử quê nhà gởi qua đường bưu điện. Giây phút giao mùa thiêng liêng, tuy không trực tiếp hưởng hương xuân mơn mởn, nhưng tâm xuân vẫn hiển nhiên trong lòng người có Phật. Nâng chén trà thơm, nhấm nháp môi ít mứt gừng nồng cay, cảm thấy lòng cũng ấm lại Thầy ạ. Cuối xin thầy thương xót chứng minh cho con vài phút để được chia xẻ chút ấm cúng này đến vườn Tuệ thân yêu.

Các Tuệ ơi!

Thế là năm con chuột lại chào tạm biệt chúng ta ra đi, để nhường lại chỗ cho năm con trâu vàng ngự trị. Trước sự biến chuyển của đất trời, thời tiết giao mùa, mưa xuân lất phất, cánh chim non tung tăng mừng nắng mới, đàn bướm vận áo màu chao lượn thưởng hoa xuân, mỗi người con Phật chúng ta ai cũng hân hoan từng đóa hoa lòng bừng nở. Mỗi năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ, sự thành công của con người bắt đầu từ sự tinh cần. Mà đặc biệt, năm nay là năm con trâu, biểu tượng của sự chuyên cần, kiên trì và bền vững.

Các Tuệ còn nhớ không, trong một lá thư xuân trước đây, thầy có viết cho các Tuệ câu ca dao: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, trong đó đã có hình ảnh con trâu. Lá thư này, thầy lại nhắc một câu ca dao khác cũng có “con trâu đi cày”:

“Trâu ơi, ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”

Có bao giờ, chúng ta đã từng nói chuyện với con trâu như bác nhà nông ấy chưa? Lời tâm sự tha thiết trên không phải bác nông dân nào đó kêu gọi, năn nỉ con trâu của ông ấy, mà chỉ là lời tự tình của một tấm lòng chân chất nông thôn, kèm theo đó là lời nguyện cầu cho mùa màng tươi tốt, khoai lúa bội thu. Các Tuệ thử kêu con trâu của chính mình để nói chuyện với nó xem, coi thử nó có dễ thương không? Năm qua, nó đã cày kéo thế nào? Nó có hay bệnh tật không, ăn cỏ uống nước có đều không?

Trong nhà Thiền, con trâu là một biểu tượng rất đặc trưng để ví cho cái tâm của mỗi hành giả. Chắc chúng ta đã được xem qua bộ ảnh “Thập mục ngưu đồ”, tức là mười bức ảnh rất nổi tiếng biểu trưng cho mười bước tu tập, chuyển hóa từ con “trâu đen” trở thành “trâu trắng”, và cuối cùng là sự vắng lặng hoàn toàn của hình ảnh trắng hay đen, mà chỉ còn y nhiên như vậy một chú mục đồng vắt vẻo lưng trâu, thổi sáo vi vu rảo bước về nhà.

Thầy mong rằng, trong năm mới này, Tuệ Uyển chúng ta sẽ vươn mình lớn dậy, khởi sắc nhiều hơn những bước tiến tâm linh và sinh hoạt. Mỗi người trong vườn sẽ là một bác nhà nông đáng yêu, chăm sóc con trâu của mình thật kỹ càng, đừng để nó ủ rũ, lười nhát, chỉ như vậy thì khi nó ăn miếng cỏ pháp lạc mới thấy ngon, uống miếng nước thiền định mới thấy ngọt, và kéo những đường cày tri kiến thật thiện xảo kiên trì.

Lúc mình đang chăm sóc con trâu tâm ấy là lúc thật sự đang yêu thương mình nhất. Yêu thương một cách tự nguyện, chân thành, chứ không phải là “bị yêu”. Sao gọi là “bị yêu”? Khi mình yêu thương một người nào đó, san sẻ tình thương yêu và sự chia sẻ cho họ, có nghĩa là họ được tiếp sức thêm năng lượng sống của con tim, của cuộc đời vốn khô cằn và cần sự tươi mát. Nhưng nếu chỉ vì thích, vì muốn chiếm lấy, mà không hiểu, không quan tâm, thì đối tượng được thương yêu kia nằm trong tình trạng “bị yêu”. Với Phật tử cũng vậy. Sự yêu mến của mình hướng về giáo pháp của đức Phật, đó là sự thể hiện của niềm tin. Phật dạy: “Tin Như Lai mà không hiểu Như Lai là phỉ báng Như Lai.” Đến với đạo Phật là không phải đến để tin, mà là đến để thấy. Đức Phật tự nhận mình là một “nhà phân tích”. Ngài không bao giờ nói điều gì mà bắt đệ tử phải tin đó là chân lý, mà Ngài khuyên nên ứng dụng, tu tập, thực hành, và tự tỏa sáng chính mình bằng lời dạy ấy. Như vậy, đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại.

Một người Phật tử có “tin” song song với “hiểu” như vậy thật là đáng quý. Chúng ta thật sự thấy buồn cho tình trạng hiện nay, người đi chùa lễ Phật rất nhiều, các tổ chức lễ hội của Phật Giáo cũng khá rình rang, nhưng tồn tại trong ấy, hai vấn đề tin Phật và hiểu Giáo Pháp của Ngài hầu như bị thiên về một bên. Nghĩa là, sự hiểu biết và thực hành lời dạy của đức Phật vào đời sống thực tiễn này không được bao nhiêu. Người ta đến chùa, lễ Phật hằng ngày, xì xụp lạy liên hồi, nhưng ẩn sâu bên trong hình thức cung kính ấy, chủ yếu là dâng hết tâm thành lên đức Phật, cầu xin Ngài ban cho phước đức, vận may hay sự tịnh lạc tâm hồn. Trong khi sự thật hiển nhiên mà họ không hề ý thức được rằng, sự an lạc, thanh tịnh trong tâm hồn hay trong đời sống chỉ có thể có được do chính họ mà thôi. Thầy hy vọng, các Tuệ cũng là những Phật tử trẻ tuổi, nhận thức được vấn đề này một cách rõ ràng, tránh ngộ nhận đáng tiếc.


Kính bạch Thầy, cùng các tuệ thân yêu!

Mùa xuân luôn là mùa của sự đoàn tụ, hoan hỷ, và hạnh phúc. Khi trời đất đang giao thời, cỏ cây căng đầy nhựa sống, bên làn khói hương quyện tỏa, hồi tưởng đến ân đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, được sum vầy với mọi người trong gia đình, nếm vị cay thơm của mứt gừng, thưởng thức từng tách trà ấm và ngắm những cánh hoa tươi nụ, lòng ai lại không trở nên lắng dịu và trào dâng một niềm an lạc vô ngần. Hình ảnh đức Bổn Sư tĩnh tọa trầm hùng dưới cội Bồ-đề, đức Di-lặc hoan hỷ an nhiên, đức Quán Thế Âm khoan dung, từ ái sẽ luôn mãi toả sáng trong trái tim của những ai đang hướng về một lý tưởng cao đẹp, thôi thúc và động viên họ luôn định tĩnh và sáng suốt trong mỗi phút giây của cuộc đời .

Xin cầu chúc trên Thầy khả kính cùng toàn thể gia đình Tuệ Uyển một mùa xuân mới vạn phúc bình an, bình an trong đời sống, bình an trong tâm hồn.


Tags: , , ,
Qúy đọc giả thân mến! Tuệ Uyển An lạc hạnh’s Blogger là nơi chia sẻ tình Yêu thương và sự Hiểu biết. Vì vậy, khi đọc bài xong, quý vị vui lòng gởi lời nhận xét, đóng góp ý kiến để chúng tôi cũng như tác giả lấy đó làm kinh nghiệm giúp Tuệ Uyển An lạc hạnh ngày càng kiện toàn hơn. Tất cả những bài viết trong Blog, chúng tôi không giữ bản quyền tuy nhiên khi quý đọc giả cảm thấy thích đăng lại, xin vui lòng dẫn link nguồn và đầy đủ tên tác giả,kính mong quý đọc giả lưu tâm.


Nếu đã vui lòng viếng thăm
Thì xin hiến tặng hạt mầm yêu thương
Mong cho mọi sự cát tường
Hiểu biết trổi dậy, khỏi đường lầm mê.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

0 nhận xét

:)) w-) :-j :D ;) :p :_( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-)

Đăng một nhận xét